16/10/2024 lúc 10:12

AI “chiều chuộng” Gen Z: Du lịch chạm đến trái tim?

AI đang thay đổi ngành du lịch, mang đến trải nghiệm cá nhân hóa và tiện lợi cho du khách, đồng thời giải bài toán nhân lực cho doanh nghiệp.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành “người bạn đồng hành” không thể thiếu trong ngành du lịch, mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa và tiện lợi cho du khách, đồng thời giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán về nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ việc lên kế hoạch chuyến đi, đặt phòng khách sạn, cho đến việc tìm kiếm thông tin và hỗ trợ khách hàng, AI đang “phủ sóng” mọi khía cạnh của ngành du lịch, hứa hẹn một cuộc cách mạng toàn diện trong tương lai không xa.

AI thay đổi trải nghiệm du lịch và bài toán nhân lực

Những ví dụ thực tế cho thấy AI đang “thay da đổi thịt” ngành du lịch một cách mạnh mẽ. Công ty Oxalis, nổi tiếng với tour khám phá Sơn Đoòng giá 3.000 USD, đã xây dựng một trang thông tin tích hợp AI, cho phép khách hàng đặt chỗ và thanh toán trực tuyến một cách dễ dàng.

Theo-bao-cao-cua-Expedia-va-HomeAway-68-thuong-hieu-du-lich-da-dau-tu-vao-cong-nghe-du-doan-AI
Theo báo cáo của Expedia và HomeAway, 68% thương hiệu du lịch đã đầu tư vào công nghệ dự đoán AI. Ảnh: shutterstock.com.

Hệ thống này có khả năng trả lời mọi câu hỏi của du khách, cung cấp thông tin chi tiết về tour, lịch trình, giá cả và các yêu cầu đặc biệt. Tương tự, một công ty lữ hành cho biết, nhờ sự hỗ trợ của AI, thời gian lên lịch trình du lịch 3 ngày khám phá một thành phố đã giảm từ 15 phút xuống chỉ còn 15 giây.

Điều này cho thấy AI không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo rằng AI sẽ định hình sâu sắc tương lai của du lịch và lữ hành bằng cách cải thiện đáng kể hiệu quả vận hành của doanh nghiệp cũng như làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng.

AI và Gen Z: “Cặp bài trùng” định hình xu hướng du lịch mới

Sự kết hợp giữa AI và thế hệ Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang tạo ra một làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong ngành du lịch. Theo báo cáo của Expedia và HomeAway, 68% thương hiệu du lịch đã đầu tư vào công nghệ dự đoán AI.

Nhiều dự báo cho thấy, sự ra đời của AI kết hợp với Gen Z sẽ là làn sóng thay đổi ngành du lịch lần thứ 3. Đặc biệt, cùng với sự bùng nổ của internet di động, AI sẽ khiến xu hướng đặt dịch vụ thông qua hình thức trực tuyến gia tăng.

Dữ liệu của Klook – nền tảng thương mại điện tử về trải nghiệm và du lịch – chỉ ra 54% Gen Z ở châu Á – Thái Bình Dương và 69% Gen Z ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội làm công cụ đầu tiên để tìm cảm hứng và lập kế hoạch du lịch.

Hơn 80% khách du lịch châu Á – Thái Bình Dương và có tới 91% du khách Việt Nam đặt dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, nhận định rằng những du khách thế hệ kỹ thuật số khao khát tính chân thực. Các nội dung ngắn gọn, dễ chia sẻ nhưng đảm bảo đầy đủ thông tin trên các thiết bị di động được họ yêu thích.

Không giống các thế hệ trước, từ cảm hứng du lịch cho đến đặt vé, chọn địa điểm xê dịch của người trẻ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội. Trong xu hướng này, AI sẽ hỗ trợ mô hình B2C (trực tiếp bán cho khách hàng) tiếp cận với phân khúc khách hàng mới, khách trẻ tiềm năng.

Cơ hội cho du lịch Việt Nam “bứt tốc” nhờ AI

Tiềm năng đẩy mạnh sử dụng AI ở Việt Nam liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện của đất nước, cũng như năng lực kỹ thuật số và tỉ lệ áp dụng công nghệ số ngày càng cao của người dân.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao Đại học RMIT kiêm Chủ tịch Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng khách sạn của EuroCham Việt Nam, nhận định ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy AI đã được triển khai hiệu quả trong một số lĩnh vực chính của ngành du lịch Việt Nam.

Điển hình là AI thúc đẩy “du lịch thông minh” khi các công nghệ AI được tích hợp vào nhiều khía cạnh khác nhau của trải nghiệm du lịch để tăng cường tính tiện lợi và cá nhân hóa.

Theo nghiên cứu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỉ USD lợi nhuận vào năm 2025, đồng thời cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, đảm bảo phát triển bền vững.

tien-si-Nuno-F-Ribeiro-nhan-dinh-ve-cong-dung-cung-cua-AI-doi-voi-nganh-lu-hanh
Ảnh: Sưu tầm

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cũng cho rằng AI đang là công cụ mạnh để giúp doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam giải quyết thách thức về nguồn nhân lực. Bằng cách tự động hóa các tác vụ và tối ưu hóa hoạt động, AI có thể giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ nhân viên hiện tại và nâng cao chất lượng dịch vụ tổng thể.

Hơn nữa, các chương trình đào tạo dựa trên AI có thể cung cấp trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, trang bị cho lực lượng lao động các kỹ năng số cần thiết cho một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.

Áp dụng AI sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng bền vững và lợi thế cạnh tranh trên thị trường du lịch toàn cầu cho Việt Nam. Đầu tư chiến lược vào cả công nghệ AI và phát triển nguồn nhân lực sẽ rất quan trọng để dải đất hình chữ S đạt mục tiêu trở thành đầu tàu trong ngành du lịch toàn cầu.

Kim Khanh

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư