Sáng 8/10: Tỷ giá trung tâm tăng phiên thứ hai liên tiếp
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (8/10), tỷ giá trung tâm tăng 15 đồng so với phiên trước. Trong khi đó, giá mua – bán USD tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh tăng – giảm với biên độ phổ biến từ 3-20 đồng so với phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.168 đồng, tăng 15 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.650 VND/USD (cao hơn 40 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.700 VND/USD (cao hơn 20 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.010 VND/USD (cao hơn 50 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.070 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 102,392 điểm, giảm 0,068 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng bạc xanh dao động gần mức cao nhất trong 7 tuần so với các loại tiền tệ chính trong rổ tiền tệ. Động lực chính của đồng USD đến từ việc các nhà đầu tư đang đánh giá lại triển vọng lãi suất của Mỹ sau báo cáo việc làm tích cực được công bố tuần trước. Trong khi đó, căng thẳng leo thang tại Trung Đông cũng góp phần thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn an toàn.
Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ đã giảm đáng kể. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện không còn hoàn toàn tin tưởng vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 11; khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản chỉ còn 86%. Công cụ này cũng chỉ ra, thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12, giảm so với hơn mức 70 điểm cơ bản được ghi nhận chỉ một tuần trước đó.
Điều đó đã giúp đồng USD giữ vững vị thế và tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều tuần so với đồng euro, bảng Anh và yên Nhật.
Ông Kieran Williams, chuyên gia phân tích ngoại hối tại InTouch Capital Markets, nhận định rằng lộ trình cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến của Fed, cùng với các dữ liệu kinh tế khả quan và viễn cảnh về kịch bảng “không hạ cánh” của nền kinh tế Mỹ đã hỗ trợ mạnh mẽ cho đồng USD. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đồng bạc xanh có thể cần thêm các chất xúc tác mới để tiếp tục tăng giá từ mức hiện tại.
Chủ tịch Fed St. Louis Alberto Musalem cho biết, ông ủng hộ việc Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa khi nền kinh tế Mỹ tiến triển theo hướng lành mạnh. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng Fed nên thận trọng và không nên nới lỏng tiền tệ quá mức.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn duy trì ở mức trên 4%.
Thị trường đang hướng sự chú ý vào báo cáo lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào thứ Năm, cùng với biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed sẽ được công bố vào thứ Tư. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi sự trở lại của thị trường Trung Quốc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài tăng giá một chút lên mức 7,0594 nhân dân tệ đổi một USD.
Đồng euro giao dịch ở mức 1,0981 USD, tăng 0,05% và không xa mức thấp nhất trong bảy tuần là 1,09515 USD mà nó chạm đến vào tuần trước.
Bảng Anh giao dịch ở mức 1,3094 USD, tăng 0,08%, gần với mức thấp nhất trong hơn 3 tuần là 1,30595 USD mà nó chạm đến vào thứ Hai.
Ở châu Á, đồng yên tăng 0,33% lên mức 147,69 yên đổi một USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần là 149,10 đổi một USD vào thứ Hai khi các nhà giao dịch đánh giá về lộ trình điều chỉnh lãi suất mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể áp dụng trong thời gian tới.
Tuyên bố mới đây của Tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho rằng nền kinh tế chưa sẵn sàng cho việc tăng lãi suất thêm nữa – một sự thay đổi rõ ràng so với sự ủng hộ trước đây của ông đối với việc BoJ hủy bỏ nhiều thập kỷ kích thích tiền tệ cực đoan – đã gây bất ngờ cho thị trường và tạo áp lực giảm giá lên đồng yên.
Ở những nơi khác, đô la Úc giảm 0,25% xuống mức 0,6740 USD.
Đô la New Zealand tăng 0,02% lên mức 0,6125 USD trước thềm quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) được công bố vào thứ Tư. Phần lớn các nhà kinh tế đều dự đoán RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp này.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng – PL