16/04/2025 lúc 15:55

Những kịch bản chính sẽ định hình hướng đi của chứng khoán tháng 4

Thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh sau tuần biến động. Trong phiên gần nhất VN-Index tăng 18,98 điểm giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại

Phiên chứng khoán mới nhất ghi nhận hơn 500 mã tăng điểm
Phiên chứng khoán mới nhất ghi nhận hơn 500 mã tăng điểm. Ảnh: Báo tin tức

Sau tháng 3 tăng gần 120 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ “đổi chiều” trong tuần đầu tháng 4, khiến nhà đầu tư hoang mang. Những biến động này không chỉ do nội tại mà còn do yếu tố bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, tạo ra các kịch bản trái chiều cho tháng 4/2025.

Thị trường quay đầu, rủi ro lộ diện

Theo báo cáo tháng 4/2025 của Chứng khoán An Bình (ABS), nhóm cổ phiếu trụ cột đã bước vào giai đoạn điều chỉnh sau hơn hai năm tăng giá. Giá cổ phiếu đảo chiều sau vài phiên đầu tháng 4, cho thấy xu hướng suy yếu trung và dài hạn, cùng với áp lực giảm lan rộng trên thị trường, đặc biệt sau phiên giảm sàn mạnh ngày 9/4. 

ABS cho rằng thị trường chứng khoán đang đối mặt với nhiều rủi ro mới, trong khi các vấn đề kinh tế vĩ mô vẫn chưa được giải quyết. Do đó, việc quản trị rủi ro trong các nhịp hồi phục cần được ưu tiên hơn là cố gắng bắt đáy thị trường.

Công ty chứng khoán này đưa ra hai kịch bản cho thị trường tháng 4. Đầu tiên, với xác suất cao hơn, thị trường có thể hồi phục nếu giữ vững các vùng hỗ trợ 1.070 và 1.030 điểm. Dòng tiền mới gia nhập là tín hiệu tích cực cho đà hồi phục ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng khi chọn cổ phiếu.

Bên cạnh đó, trường hợp thông tin vĩ mô tiếp tục tiêu cực, thị trường có thể mất các điểm tựa tâm lý, dẫn đến làn sóng bán tháo, và VN-Index sẽ rơi về các vùng hỗ trợ sâu hơn. Trong kịch bản này, áp lực với những nhà đầu tư đang “ôm hàng” sẽ tăng do thanh khoản yếu và mất cân bằng cung – cầu.

Cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn
Cơ hội cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Ảnh minh họa

ABS nhận định rằng, dù thị trường mất cân đối, đây lại là cơ hội cho các nhà đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt khi có dấu hiệu hồi phục trong vùng 200 điểm. Các cổ phiếu cần chú ý là những mã đầu ngành bị chiết khấu sâu trong các nhóm như xuất khẩu (dệt may, thủy sản), ngân hàng và chứng khoán. Ngoài ra, cổ phiếu của các ngành ít bị ảnh hưởng như LNG, đầu tư công, thực phẩm và phân bón cũng được khuyến nghị.

Thị trường bước vào trạng thái phòng thủ

Thanh khoản trong những phiên gần đây mặc dù vẫn cao (hơn 26.500 tỷ đồng) nhưng đã giảm so với trước đó, với 1,1 tỷ cổ phiếu được giao dịch. Nhà đầu tư tỏ ra dè dặt do thiếu chất xúc tác mới và tâm lý phòng thủ gia tăng, nhất là khi Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ Hoa Kỳ về chính sách thuế quan. 

Trong báo cáo giữa tháng 4, Maybank Investment Bank (MSVN) đã xây dựng ba kịch bản chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên tình hình thuế quan Mỹ – Việt. Kịch bản đầu tiên, có xác suất cao nhất, là Mỹ giữ thuế nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 30 – 35%. Trong trường hợp này, VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.200 – 1.250 điểm, chủ yếu nhờ vào cổ phiếu phòng thủ như FPT, VNM, MWG, và TCB.

Kịch bản thứ hai, nếu thuế giảm còn 20 – 25%, thị trường sẽ hưởng lợi lớn, VN-Index có thể vươn tới 1.410 điểm. Kịch bản này tích cực, liên quan đến các nỗ lực đàm phán thương mại, đặc biệt sau chuyến công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với đại diện thương mại Mỹ. Nếu thành công, FDI có thể quay lại mạnh mẽ, giúp nền kinh tế và thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững.

Ngược lại, kịch bản tiêu cực xảy ra nếu Hoa Kỳ giữ nguyên mức thuế 46%  như đề xuất ban đầu từ Tổng thống Donald Trump. Khi đó, rủi ro mất dòng vốn FDI tăng cao, đồng thời Việt Nam có thể bị siết chặt hơn về gian lận xuất xứ nếu không kiểm soát tốt tình trạng “đội lốt hàng Trung Quốc”. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu rơi vào tình huống xấu nhất, chỉ số VN-Index có thể lùi về vùng 1.000 điểm tương đương P/E 10 lần vùng đáy đã nhiều lần xuất hiện kể từ khủng hoảng 2008.

Cơ hội trong rủi ro
Cơ hội trong rủi ro. Ảnh minh họa

Cơ hội trong rủi ro

Trên góc độ kỹ thuật, VN-Index hiện đang test lại vùng kháng cự mạnh 1.220 – 1.240 điểm theo Fibonacci Projection 23,6%. Dù có tín hiệu mua trở lại, song thanh khoản giảm nhẹ phản ánh sự phân vân của dòng tiền, nhất là khi các yếu tố vĩ mô chưa rõ ràng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo rằng Việt Nam hiện đang xuất siêu hơn 100 tỷ USD sang Hoa Kỳ – con số dễ khiến đối tác nghi ngờ nếu phát hiện tình trạng gian lận thương mại. Nếu bị trừng phạt, hệ lụy có thể không chỉ dừng ở thương mại mà còn lan sang các lĩnh vực tài chính, tiền tệ và đầu tư.

Dẫu vậy, chuyên gia này vẫn giữ quan điểm lạc quan. Ông cho rằng Việt Nam đang có lợi thế là nền kinh tế xuất khẩu năng động, hoàn toàn có thể đàm phán sòng phẳng với Hoa Kỳ nếu chủ động minh bạch và kiểm soát tốt vi phạm. Đặc biệt, 90 ngày hoãn áp thuế là “khoảng thời gian vàng” để Việt Nam chuẩn bị. 

“Khủng hoảng luôn song hành cùng cơ hội. Đây là lúc chúng ta cần chủ động hơn bao giờ hết. Nếu xử lý tốt, Việt Nam không chỉ tránh được rủi ro mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn”, ông Hiếu khẳng định.

Minh Thư