Nhà đầu tư nước ngoài giữ 12,6 tỷ USD chứng khoán nhờ cơ chế Non Pre-funding
Hơn 1.200 nhà đầu tư nước ngoài dùng cơ chế giao dịch Non Pre-funding, chiếm 11% tổng giá trị giao dịch, nắm giữ 12,65 tỷ USD chứng khoán.

Chứng khoán vẫn đang duy trì đà tăng tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức bước sang năm 2025 với nhiều kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ. Đây là một năm quan trọng khi đánh dấu mốc cuối của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời kỷ niệm 80 năm thành lập ngành tài chính và 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vận hành.
Những cột mốc này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn tạo động lực để thị trường bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội và thách thức. Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng ổn định, minh bạch và bền vững.
Trong đó, việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu trọng tâm. Nếu thành công, đây không chỉ là cơ hội để thu hút dòng vốn ngoại mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế, mở ra một kỷ nguyên mới cho thị trường chứng khoán.
Chia sẻ trong chương trình Talk show Phố Tài Chính, bà Tạ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tính đến hết năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán đã đạt trên 9,3 triệu, tăng 27,5% so với cuối năm 2023.

Riêng hơn một tháng đầu năm 2025, số tài khoản mở mới tiếp tục vượt 110.000, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường vẫn rất lớn. Dù vậy, cơ cấu nhà đầu tư vẫn chưa thực sự cân bằng khi tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 99%, trong khi số lượng nhà đầu tư tổ chức vẫn ở mức thấp so với kỳ vọng.
Bên cạnh đó, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều hạn chế, khi theo thống kê năm 2024, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,6% tổng số tài khoản. Mặc dù con số này khiêm tốn, giá trị danh mục mà họ nắm giữ lại lên tới khoảng 7,35% tổng giá trị chứng khoán toàn thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vẫn tăng. Đến cuối năm 2024, họ sở hữu hơn 28,2 tỷ chứng khoán, tương đương 323.531 tỷ đồng tính theo mệnh giá, tăng 4,17% về số lượng và 3,29% về giá trị so với cuối năm 2023. Điều này cho thấy dù có xu hướng bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Cơ chế mới (Non Pre-funding) tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài
Một trong những động thái đáng chú ý trong năm 2024 là sự ra đời của Thông tư 68 của Bộ Tài chính, cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện lệnh mua chứng khoán mà không cần tiền tại thời điểm giao dịch, một giải pháp được biết đến với tên gọi Non Pre-funding Solution (NPS). Sau ba tháng triển khai, VSDC đã khảo sát và nhận thấy tình hình khả quan từ các công ty chứng khoán lớn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Theo cơ chế mới, trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn, trách nhiệm thanh toán sẽ thuộc về công ty chứng khoán. Mặc dù đã xuất hiện một số trường hợp cần chuyển nghĩa vụ thanh toán, các vấn đề đều được xử lý theo quy trình hiệu quả.
Bà Bình cho biết thêm, giải pháp Non Pre-funding chỉ là bước khởi đầu trong việc thực hiện các giao dịch theo tiêu chí nâng hạng của tổ chức FTSE. Để đáp ứng các tiêu chí từ MSCI, việc triển khai cơ chế thanh toán CCP (cơ chế đối tác bù trừ trung tâm) sẽ là giải pháp dài hơi hơn.

Cũng trong năm 2025 này, thị trường chứng khoán Việt Nam được mong đợi sẽ chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell. Lãnh đạo VSDC cho biết Việt Nam đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí nâng hạng, nhưng cần thêm thời gian để các đơn vị đánh giá mức độ thực thi và đón nhận từ nhà đầu tư nước ngoài.
Với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý và triển vọng nâng hạng, năm 2025 hứa hẹn sẽ là năm bứt phá cho chứng khoán Việt Nam. Sự phục hồi kinh tế và chính sách điều hành vĩ mô linh hoạt sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn tiếp tục đổ vào thị trường.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với thách thức từ áp lực quốc tế và sự biến động của dòng vốn ngoại. Dù vậy, với nền tảng vững mạnh và các cải cách đang diễn ra, có cơ sở để kỳ vọng vào một năm tăng trưởng tích cực, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất khu vực.
Minh Thư