08/11/2024 lúc 13:43

Lãi suất vẫn duy trì ổn định ở mức thấp

Mặt bằng lãi suất vẫn thấp và dự báo ổn định đến đầu năm 2025, dù một số NHTM tăng nhẹ lãi suất gửi tiết kiệm vài kỳ hạn.

Biến động nhẹ của lãi suất huy động tại một số ngân hàng

Theo ghi nhận từ thị trường trong tuần đầu tháng 11/2024, mức lãi suất huy động 7%/năm đã được niêm yết tại một số NHTM như PVcomBank, MSB, HDBank và DongABank. Tuy nhiên, để nhận được mức lãi suất này, khách hàng cần phải đáp ứng điều kiện gửi tiền tối thiểu khá lớn, từ vài trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng, cùng với đáp ứng các yêu cầu về kỳ hạn gửi.

Cụ thể, PVcomBank đang áp dụng lãi suất cao nhất hệ thống lên tới 9,5%/năm nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng với kỳ hạn tiết kiệm từ 12-13 tháng trở lên. Tương tự, HDBank niêm yết lãi suất 7,7%/năm và 8,1%/năm cũng cho các kỳ hạn 12 và 13 tháng, áp dụng cho các khoản tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng. Các ngân hàng DongABank và MSB cũng niêm yết lãi suất lần lượt 7,5%/năm và 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng trở lên, với yêu cầu gửi tối thiểu 200 tỷ đồng (DongABank) hoặc 500 tỷ đồng (MSB).

Ngoài ra, nhiều NHTM hiện nay cũng áp dụng lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn 13-24 tháng ở mức từ 6% đến 6,35%/năm. BAC A BANK, chẳng hạn, đang cung cấp lãi suất 6,35%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, trong khi ABBank cũng áp dụng lãi suất 6,3%/năm cho kỳ hạn tương tự.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) hiện đang triển khai chương trình “Mở sổ đầu tiên, nhận thêm lãi suất” chương trình dành cho các khách hàng cá nhân khi gửi tiết kiệm qua ứng dụng ngân hàng số Digimi. Khách hàng mở sổ tiết kiệm đầu tiên sẽ được cộng thêm 0,6%/năm cho các kỳ hạn từ 1-6 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Theo đó, mức lãi suất cao nhất khách hàng có thể nhận được là 5,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. BVBank cũng áp dụng cộng thêm 0,2%/năm cho các khách hàng hiện hữu với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, điều kiện là phải duy trì ít nhất 80% số tiền gửi ban đầu đến ngày đáo hạn..

“Với ưu điểm như lãi suất ổn định, linh hoạt, có thể chủ động thực hiện mọi lúc mọi nơi nên gửi tiết kiệm trực tuyến tại các ngân hàng luôn là kênh đầu tư được người dân lựa chọn. Tại BVBank, nhóm sản phẩm tiết kiệm luôn được đánh giá cao bởi lãi suất cạnh tranh, linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu tài chính của nhiều phân khúc khách hàng. Với chương trình ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,6%/năm lần này, BVBank mong muốn mang đến cho khách hàng những lợi ích thiết thực để khách hàng có thể chủ động thực hiện các mục tiêu tài chính trong tương lai”, phía đại diện ngân hàng chia sẻ.

Nhìn toàn thị trường, dù một số NHTM đã nhích nhẹ lãi suất huy động trong thời gian gần đây, nhưng số lượng ngân hàng giảm lãi suất đã tăng lên trong tháng 10. Từ đầu tháng, chỉ còn 6 ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm, trong khi tháng 8 có đến 20 ngân hàng và tháng 9 là 12 ngân hàng điều chỉnh tăng. Hầu hết các ngân hàng quy mô vừa và lớn vẫn giữ ổn định lãi suất huy động kể từ cuối quý III đến nay.

Lãi suất gửi tiền ổn định trên thị trường
Mức lãi suất tiền gửi có sự ổn định cho lãi suất vay trên thị trường. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Ngân hàng tiếp tục duy trì lãi suất thấp trên thị trường

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng gặp nhiều khó khăn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, nhiều chuyên gia tài chính và công ty chứng khoán đã đưa ra những nhận định rằng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Các phân tích từ VCBS, MBS Research và VNDirect đều cho rằng, việc tăng mạnh lãi suất huy động trong hai tháng cuối năm 2024 là khó xảy ra, chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Cụ thể, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% đến 5,2% trong các tháng còn lại của năm. Trong khi đó, VNDirect giữ nguyên dự báo lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,2% đến 5,3%/năm, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 5,3% đến 5,5%/năm vào cuối quý III.

Nhận định cho các khả năng về việc ổn định mặt bằng lãi suất huy động, các chuyên gia chia sẻ rằng áp lực về tỷ giá và lạm phát đã giảm đáng kể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng chính sách nới lỏng và giảm nhẹ các mức lãi suất điều hành.

Trong thời gian tới, Thông tư 48/2024/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực, yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết công khai và minh bạch các mức lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại (NHTM) có thể điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn nhằm cạnh tranh và thu hút vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, mức tăng này dự kiến sẽ không lớn và không tạo thành làn “sóng”.

Dự kiến sẽ giữ mức cho vay
Các tổ chức tín dụng dự đoán sẽ giữ mức lãi suất cho vay hiện tại. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) về lãi suất cho vay ta thấy được, trong quý IV/2024, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ duy trì mức lãi suất cho vay hiện tại và dự kiến giảm nhẹ 0,09 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Theo đánh giá, TCTD cho rằng có 72,8% thanh khoản hệ thống đang “tốt” và có phần cải thiện so với năm trước. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất cho vay thấp hiện tại.

Các báo cáo từ các bộ, ngành cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và giải ngân vốn FDI đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với sự phục hồi của bất động sản. Do đó, trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhiều ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp, khoảng 4-6,5%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và 7-9%/năm cho trung – dài hạn. Các chương trình vay ưu đãi lãi suất do Chính phủ và NHNN chỉ đạo cũng sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh để hỗ trợ các lĩnh vực trọng điểm, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2024.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Thời báo Ngân hàng