25/10/2024 lúc 10:16

Tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước

26 2
(ĐTCK) Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều tín hiệu tích cực trong xuất khẩu

Chia sẻ tại Họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công thương cho biết, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỷ USD, mặc dù giảm 8% so với tháng trước nhưng vẫn tăng tới 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,39 tỷ USD, giảm 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,66 tỷ USD, giảm 8,1%.

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%).

Cán cân thương mại tháng 9/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,29 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu của nước ta trong 9 tháng năm 2024 khoảng 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

“Qua 9 tháng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (tăng 20,7%) cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 13,4%)”, ông Sơn nhấn mạnh.

25 3
Họp báo thường kỳ quý III/2024 do Bộ Công thương tổ chức

Phân theo khu vực thị trường, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%.

Về hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, trong tháng 9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) đã làm đứt mạch tăng trưởng sản xuất sau 5 tháng tăng liên lục, khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm (đạt 47,3 điểm so với mức 52,4 điểm của tháng 8). Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) trong tháng 9/2024 có sự giảm nhẹ so với tháng trước (giảm 0,2%).

Tuy nhiên, nhờ đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp trong những tháng vừa qua nên chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2024 vẫn tăng tới 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 0,3%).

Giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng

Trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), Bộ Công thương theo dõi 2 mảng xuất khẩu và tiêu dùng. Bộ Công thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng những tháng cuối năm, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 7% theo yêu cầu của Chính phủ.

Cũng theo nhận định của đại diện Bộ Công thương, tình hình phát triển sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2024 tương đối khả quan. Nhận định khả quan đó xuất phát từ những điểm chính như: Nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng kể cả giao thông vận tải và năng lượng… đã trực tiếp hỗ trợ sản xuất và qua đó phát triển thị trường.

Trong mảng xuất khẩu, Bộ Công thương tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và đặc biệt là đẩy mạnh chương trình xuất khẩu chính ngạch, bên cạnh khai thác các thị trường chính. Bộ Công thương sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm tạo khung khổ pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Liên quan đến thị trường trong nước, Bộ Công thương đã triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiến hành các chương trình khuyến mại, trực tiếp tổ chức các hội chợ, triển lãm để thúc đẩy tiêu dùng.

Một số nhiệm vụ được Bộ Công thương tập trung triển khai từ nay tới cuối năm 2024 bao gồm khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu) như khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, cơ chế giá điện 2 thành phần, cơ chế khung giá các loại hình điện năng, Nghị định về kinh doanh xăng dầu; sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, thành lập Hội đồng gạo quốc gia…;

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng….

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Lam Phong