Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Từ tháng 9 trở đi thường là giai đoạn khuyến mãi nhộn nhịp nhất trong năm vì có nhiều sự kiện tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của người dân cho các dịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.
Với đà tăng trưởng đó, trong những tháng cuối năm 2024, chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025, ngành công thương các địa phương đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, tăng cường phòng, chống sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
CÁC CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG
Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã công bố chương trình bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình năm nay dự kiến thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023.
Chương trình cũng mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, in laser…) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…
Bên cạnh đó, nhân dịp đón năm mới 2025 và Tết Ất Tỵ, từ nay đến cuối năm, nhiều chương trình khuyến mãi tập trung như “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ được diễn ra. Đặc biệt, lượng hàng bình ổn theo cam kết của chương trình sẽ chiếm từ 21 – 32% thị phần trong tháng bình thường và chiếm khoảng 24 – 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết Ất Tỵ 2025.
Thực tế, từ đầu năm 2024, ngành công thương TP.HCM đã thực hiện nhiều chương trình bình ổn thị trường, thu hút khoảng 70 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tham gia như Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Aeon, Vinamilk, Nutifood, Vissan… Cuối tháng 9/2024 vừa qua, UBND TP.HCM phối hợp Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối cung – cầu có sự tham dự của nhiều địa phương. Dịp này, 8 hệ thống bán lẻ đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa bán tại 8 hệ thống này.
UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung – cầu bao gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.
Song song với đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành quyết định về việc tổ chức Chương trình Khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 – Vietnam Grand Sale 2024. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 31/12 và được tổ chức trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong thời gian diễn ra chương trình có thể lên đến 100%.
CUỘC ĐUA KÍCH CẦU CỦA NHÀ BÁN LẺ
Để kích cầu cuối năm nhiều hệ thống bán lẻ cũng đã tung nhiều chương trình khuyến mãi ngày từ đầu tháng 10. Cụ thể, hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN triển khai nhiều chương trình ưu đãi mang đến cơ hội mua sắm hàng trăm sản phẩm “Giá siêu rẻ” với mức giảm giá lên đến 50% cùng các ưu đãi mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1. Các mặt hàng này đều thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu từ thực phẩm khô như: dầu ăn, nước mắm, gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân.
Tương tự, hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi sốc nhằm kích cầu tiêu dùng. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, để tổ chức các chương trình khuyến mại, siêu thị đã chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; Tổ chức các phiên chợ đồng giá…
Trong thời gian này, hệ thống Co.op Mart triển khai hoạt động “Đi chợ đồng giá” qua đó luân phiên giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây… với mức giá chỉ từ 7.000 – 59.000 đồng. Ngoài ra còn có chương trình “Mua là tặng” với hình thức mua 2 tặng 1 cùng loại…
Các đơn vị cũng cho biết đang chuẩn bị nguồn hàng và kế hoạch kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán 2025, dự kiến chỉ tiêu sẽ tăng khoảng 25% – 30% so với mức thực hiện của mùa Tết năm 2024. Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Kinh doanh MM Mega Market, cho biết hệ thống đã chốt kế hoạch chuẩn bị hàng Tết với các nhà cung cấp lớn từ cách đây 1 tháng với mức chuẩn bị khá lạc quan.
Tuy nhiên, bão số 3 (Yagi) cùng những biến động thời tiết những ngày qua đã làm thay đổi mọi thứ. “Sức mua ở khu vực miền Bắc giảm mạnh, tiêu thụ các mặt hàng nhập khẩu trên toàn hệ thống cũng giảm. Chúng tôi sẽ phải làm việc lại để điều chỉnh kế hoạch, bao gồm cả sản lượng và giá cả, cho hợp với diễn biến thị trường”, ông Khôi bày tỏ.
Cũng nhận định thị trường Tết năm 2025 sẽ ảm đạm do người dân tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường chậm sẽ dẫn đến cuộc chạy đua hạ giá để kích cầu. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay từ đầu năm đến nay, sức mua trứng gia cầm gần như không tăng, thậm chí giảm 10% – 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trên cơ sở đó, Vĩnh Thành Đạt chỉ kỳ vọng sức mua tương đương Tết năm ngoái.
Ở quy mô địa phương, để đẩy mạnh kích cầu, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch khuyến mãi 6 tháng cuối năm theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 15/6 – 15/9 vừa qua; và đợt 2 diễn ra từ ngày 15/11 – 31/12 để trợ lực người dân sắm tết. Trong cả 2 đợt này, thương nhân tham gia được phép áp dụng giảm giá tối đa lên đến 100%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp TP.HCM tổ chức chương trình khuyến mại tập trung và có đợt kéo dài đến 3 tháng thay vì 1 tháng như thông thường.
Tại Hà Nội, để đẩy mạnh kích cầu những tháng cuối năm Sở Công Thương thành phố tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800 – 1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia có mức giảm giá từ 30 – 100% cho các sản phẩm.
Nguồn: VnEconomy – Tuệ Mỹ