Bánh kẹo, chocolate rục rịch tăng giá
Trong bối cảnh giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng cao thời gian qua, các nhà sản xuất thực phẩm đang “đau đầu” cân đối bài toán giá thành.
Theo đại diện Orion Việt Nam, hiện tại giá nguyên vật liệu cacao leo thang ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản phẩm.
Chủ sở hữu thương hiệu Chocopie cho biết đang cố gắng gồng gánh phần chi phí này để duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng cho đến khi còn có thể.
Giá nguyên liệu tăng phi mã
Thực tế, theo CNBC, giá cacao đã tăng gấp 3-4 lần trong năm qua, có thời điểm hợp đồng tương lai tháng 12 chạm ngưỡng kỷ lục gần 12.000 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá thu mua cacao khô từ nông dân hiện dao động 150.000-160.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 210.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Đại diện Puratos Grand-Place Việt Nam – đơn vị đang thu mua khoảng 70% sản lượng cacao tại Việt Nam – cho biết khi giá cacao thế giới tăng mạnh, giá thu mua cacao của công ty tại Việt Nam cũng phải tăng tương ứng để tuân thủ các nguyên tắc của chương trình phát triển bền vững Cacao-Trace.
Điều này làm tăng chi phí thu mua nguyên liệu và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty.
“Từ đầu năm đến nay, công ty đã phải tăng giá bán nhiều hơn 1 lần cho các sản phẩm chocolate và cacao. Tùy mã sản phẩm cụ thể, mức tăng khoảng 20-30%. Nếu so với đà tăng của giá cacao thế giới – tăng hơn 250% vào giữa tháng 4 so với giữa tháng 1, chúng tôi đã rất nỗ lực tận dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và chấp nhận cắt giảm biên lợi nhuận để bình ổn giá sản phẩm”, vị này nhấn mạnh.
Từ đầu tháng 1 đến tháng 9, Puratos đã tăng gấp đôi giá thu mua cacao để đảm bảo nguồn hàng, trong bối cảnh lượng thiếu hụt cacao trên toàn cầu năm nay được dự báo lên đến 0,6 triệu tấn.
“Với việc tăng giá thu mua hạt cacao, chúng tôi cũng phải chuẩn bị và sử dụng dòng tiền lớn hơn cho hoạt động thu gom và sản xuất, điều này làm ảnh hưởng tới các chi phí tài chính của công ty”, đại diện Puratos nói thêm.
Hiện, nguồn cung ở Việt Nam không đủ để công ty này vận hành hết công suất 2.000 tấn/năm của nhà máy chế biến tại Bình Thuận. Do đó, Puratos đang nhập khẩu thêm nguồn hạt từ các nước lân cận trong khu vực và châu Phi.
“Vùng trồng cacao tại Việt Nam trong các năm gần đây đang dần được cải thiện. Nhưng so với giai đoạn 2010-2015, sản lượng chưa cao. Diện tích trồng cacao ở Việt Nam bị hạn chế vì cacao cạnh tranh với các loại cây trồng và trái cây khác”, vị này cho hay.
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) thống kê sản lượng năm nay đã giảm hơn một nửa so với trước, chỉ còn 1.500-2.000 tấn.
Tình trạng thiếu hụt cacao khắp toàn cầu, kể cả ở vùng cung cấp lớn nhất là châu Phi, khiến các nhà nhập khẩu từ nhiều khu vực khác tìm đến Việt Nam như một điểm thu mua thay thế. Điều này làm tăng sự canh tranh cho thị trường thu mua cacao trong nước.
Người tiêu dùng sẽ cảm nhận “sức nóng” từ 2025
Trong lúc này, một doanh nghiệp sản xuất chocolate nói với Tri Thức – Znews rằng sự biến động liên tục thời gian qua của giá cacao đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết đơn vị kinh doanh cacao và chocolate.
Theo đại diện Puratos Grand-Place Việt Nam, những doanh nghiệp sử dụng chocolate đen nguyên chất là nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất. Hiện nhà thu mua và chế biến cacao này cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích với khách hàng khi có các đợt điều chỉnh tăng giá bán.
“Một vài khách hàng đã giảm số lượng tiêu thụ chocolate và tìm các nguyên liệu thay thế khác vào sản phẩm của mình. Điều này đã dẫn đến việc giảm doanh thu bán hàng”, đại diện Puratos chia sẻ.
Riêng với các nhà sản xuất bánh kẹo, thực phẩm, CNBC cho biết sau 2 năm tăng giá hoặc giảm trọng lượng sản phẩm để ứng phó với lạm phát, nhiều công ty đã bị người tiêu dùng “quay lưng” hoặc giảm chi tiêu. Do đó, hiện đa số phải tìm cách thay đổi công thức nhằm hạn chế sử dụng nguyên liệu cacao.
Một số công ty như Mondelez quyết định không thay đổi công thức mà áp dụng các biện pháp thắt chặt chi phí. Ngoài ra, bổ sung các loại sản phẩm bánh kẹo mặn vào danh mục để thúc đẩy tăng trưởng cũng là phương án được các nhà sản xuất tính tới.
Hiện tại, sau khi Liên minh châu Âu quyết định tạm hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) cho đến năm 2025, các doanh nghiệp có thể “thở phào” đôi chút, tuy nhiên họ vẫn chịu áp lực phải điều chỉnh để tuân thủ quy định mới.
Vì vậy, trong ngắn và trung hạn, các đơn vị cho rằng chưa nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ được cải thiện, do đó áp lực tăng giá đối với các sản phẩm đầu ra như chocolate, bánh kẹo… vẫn còn.
“Các nhà sản xuất chocolate đang phải vật lộn với chi phí cacao tăng cao. Tuy nhiên, sức mạnh toàn diện của cuộc khủng hoảng cacao vẫn chưa được cảm nhận rõ trên các kệ hàng siêu thị”, Julia Buech, nhà phân tích cấp cao về thực phẩm tiêu dùng của RaboResearch, cho biết trong một báo cáo gần đây.
Tạp chí Supermarket Perimeter ghi nhận người tiêu dùng đã phải trả nhiều tiền hơn cho chocolate trong năm nay. Tại Hà Lan, giá bán chocolate tại các cửa hàng tạp hóa đã tăng 40% so với 3 năm trước và hơn 18% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Dẫu vậy, mức tăng này chưa chịu ảnh hưởng nhiều bởi giá cacao, theo RaboResearch. Thay vào đó là tình hình lạm phát chung, cũng như chi phí các nguyên liệu khác như sữa, đường và năng lượng. Thực tế, giá đường thô đang trải qua mức tăng kỷ lục trong vòng 16 năm, đạt đỉnh 519,6 USD/tấn vào cuối tháng 9.
Trong khi đó, nguồn cung cacao hiện tại cho các nhà sản xuất chocolate đã được ký kết hợp đồng từ đầu năm, trước khi giá cacao tăng vọt.
Hiện tại, đại diện Puratos cho biết đa số nhà sản xuất chocolate lớn trong khu vực vẫn đang cố gắng ký hợp đồng từng đợt với nhà cung cấp hạt cacao, nhằm đảm bảo không đứt gãy nguồn cung giai đoạn đầu năm sau, nhưng phải chấp nhận chi trả mức giá rất cao.
“Do sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng và các hợp đồng hiện có, mức tăng giá mạnh nhất dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2024 và kéo dài đến năm 2025”, Julia Buech cảnh báo, đồng thời ước tính giá bán lẻ chocolate có thể tăng vọt ít nhất 30% trong năm sau.
Nguồn: Znews – Cẩm Tú